Liên kết web
Tin tức - Sự kiện
Kỳ 2: Giáo dục áp đặt: từ sai lầm người lớn tới nỗi buồn con trẻ

“Phải để cho trẻ phát triển tự nhiên để đảm bảo sự lành mạnh, hồn nhiên. Bị áp đặt, đưa đẩy theo cái guồng của người lớn dần dần khiến trẻ em kính càng lồi lên, cong vẹo cột sống và bị trầm cảm…” Ông Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học nhận định.

“Thôi, từ lần sau con cứ viết theo ý cô cho nó lành. Vừa được điểm cao, vừa đỡ phải viết đi viết lại". Chị Thu An (Hà Nội) kể lại lời nói của con gái mình.

Cô con gái 8 tuổi của chị Thu An phải viết nhiều lần bài văn “kể một việc tốt em đã làm” chỉ vì “kể đúng” việc tốt mình đã làm thật như “giúp mẹ việc nhà” chứ không làm theo các “việc tốt” cô đã nói trên lớp bao gồm “nhặt được của rơi trả lại người đánh mất, chăm sóc mẹ ốm và đỡ em nhỏ đứng dậy khi em bị ngã”. Viết đến lần thứ 4, đứa trẻ lớp 3 ấy đành buông xuôi, chấp nhận “bịa” và thốt ra một câu cửa miệng của người lớn: “cho nó lành”.

Lỗi tại quan niệm của cô…

“Cách dạy đó của cô giáo đã khiến cho trẻ lựa chọn thỏa hiệp thay vì phát triển, an lành thay vì tư duy. Rốt cuộc, đứa trẻ sẽ được những gì nếu ngày này qua tháng khác, nó luôn phải “đầu hàng” thay vì nỗ lực giải quyết vấn đề? Liệu năng lực của nó có phát triển được không nếu muốn tư duy cũng bị “đè bẹp” ngay? Chưa kể đến việc ngay cả một tố chất rất ngây thơ của cháu là “nói thật” về việc mình làm thay vì chấp nhận “bịa ra” cũng bị phủ nhận nốt. Vậy vô tình đánh giá cao và khuyến khích việc trẻ “nói dối” hơn là chân thực sao? Dạy văn là dạy làm người mà… ” Chị Thu An bức xúc trình bày những lo lắng của mình.

 

Cách giảng dạy áp đặt là một thực tế phản ánh phương pháp giảng dạy và sự năng động của nhiều giáo viên còn hạn chế ở Việt Nam. “Đúng là khi chúng tôi tuyển dụng giáo viên, rất vất vả để tìm được các giáo viên dù chỉ là “có tiềm năng” bởi đa phần các giáo viên cũng vấn còn giảng dạy theo kiểu rất rập khuôn, máy móc, áp đặt học sinh cứng nhắc “theo sách giáo khoa”. Nhưng chúng ta phải nhìn sâu vào nguyên nhân thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề.” Bà Lê Tuệ Minh, giám đốc Trường Quốc tế WellSpring đặt vấn đề.

…hay quan niệm của một hệ thống khép kín?

Câu chuyện của cô bé lớp 3 không xa lạ nếu không muốn nói là “chuyện thường ngày ở huyện” trong các trường học và cấp học Việt Nam. Ngay từ tiểu học, học sinh đã phải làm theo đúng bài mẫu.

Ở bậc học THPT, nhiều giáo viên thường áp đặt cách giải bài tập mẫu, giải theo cách khác không được công nhận, không được điểm tuyệt đối. Tới khi thi Đại học, học sinh cũng chỉ cắm đầu luyện 3 môn thi theo mẫu sẵn có nên chất lượng đầu vào Đại học đa số cũng chỉ ở mức “luyện tủ, copy” thôi. Vấn đề này không chỉ là lỗi cá nhân của một giáo viên mà đã trở thành lỗi hệ thống, đi vào trong nếp nghĩ, trong phương pháp giảng dạy từ hàng chục năm nay. Vấn đề nghiêm trọng hơn là những học sinh - sản phẩm của nền giáo dục “đọc i xì, chép nguyên xi” ấy sẽ ra làm việc để xây dựng xã hội của chúng ta từ nền “văn hóa” ấy…

Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều tâm sự: “Bản thân tôi từ lúc đứng lớp đến khi làm quản lý ở trường công cũng buộc phải áp đặt với học sinh, nếu không các em không có đủ điểm tham dự thi tốt nghiệp. Mặc dù bản thân biết rất rõ giáo dục theo kiểu áp đặt là không nên nhưng làm trái đi, học sinh sẽ không đạt kết quả tốt trong kỳ thi bởi bài thi được chấm theo barem, làm chệch ra không được tính điểm.”

Ở một số trường công, nhà trường cũng thường hô hào “khuyến khích cách dạy và học phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh” nhưng để đạt thành tích trong thi cử, giáo viên và học sinh vẫn dạy và học sát theo hướng “luyện tủ”. Áp lực thi cử, đạt những “thành tích” luôn đè nặng lên vai hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh và người chịu khổ cuối cùng là “học sinh”.

Bà Lê Tuệ Minh, Giám đốc trường Quốc tế WellSpring làm rõ thêm: “Chương trình do Bộ ban hành, Sở triển khai kế hoạch giáo dục theo từng năm và đa phần các trường áp dụng y nguyên vì như vậy là “nhàn”, “an toàn nhất” và cũng “có lợi nhất” xét về mặt cá nhân giáo viên. Mọi thứ đã có sẵn, “đóng cứng” về về khung thời gian, khung chương trình, sách giáo khoa và cả cách kiểm tra, đánh giá học sinh. “Chỉ tiêu, thành tích” cũng định sắn, giáo viên khó có thể đi ra ngoài khuôn khổ đó được. Xét cho cùng, giáo viên vô hình chung chỉ là người triển khai cuối cùng “sai lầm” của cả một hệ thống đến học sinh thôi. Vấn đề là Nhà trường và những người quản lý phải thực sự thay đổi về bản chất, tạo “đường ray” cho giáo viên thì họ mới dám làm theo, dám thay đổi.

Cái khó “bó” cái khôn

Nhà giáo Trần Cẩm Tú đã từng là giáo viên Trường THCS Trưng Vương, sau đó, bà chuyển sang dạy ở một số trường quốc tế như Hanoi Academy và Trường Quốc tế Singapore. Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và tham gia thẩm định chương trình của Bộ GD-ĐT, bà chia sẻ một rào cản khác khiến những nỗ lực phá bỏ hệ thống giáo dục áp đặt vẫn chưa đạt được mục tiêu.

“Khi sang giảng dạy ở trường Quốc tế, tôi thấy ưu điểm của họ là cơ sở vật chất đầy đủ. Cơ sở vật chất và phương tiện vô cùng quan trọng trong việc phát huy tính chủ động trong giáo dục, nhưng quan trọng hơn còn là Chương trình giáo dục định hướng cho giáo viên bao gồm khung chương trình, phân phối chương trình, phương pháp, học liệu tiên tiến. Đó chính là “đường ray” và cần đào tạo giáo viên theo phương pháp mới đó.”

Thiếu đầu tư về cả 2 mảng: cơ sở vật chất và triển khai chương trình (chương trình cá thể hóa, chi tiết của từng trường và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên) là những nguyên nhân cơ bản tạo ra sức ì lớn ở nhiều cấp học, bậc học tại Việt Nam. Thiếu đầu tư tạo ra sự chắp vá và nhồi nhét cho “xong chuyện”, dẫn tới sự “đồng loạt hóa”, lắp ghép, không tính đến mục tiêu. Sĩ số lớp ở Việt Nam quá đông nếu so sánh với những mô hình tiêu chuẩn ở các nước khác. Ở Singapore, Australia, mỗi lớp học chỉ duy trì 25 học sinh nên có thể phát huy được tính chủ động và tích cực. Mỗi lớp ở Việt Nam thường khoảng 45 học sinh, có những nơi lên tới 60 học sinh một lớp. “

Dạy - Học tích cực, phát triển được năng lực tư duy, năng lực hành động của học sinh phải bắt đầu từ sự quan tâm, giải quyết được những vấn đề rất cơ bản. Việc này không dễ thực hiện trong môi trường đại trà. Muốn học với giáo án điện tử, xem phim thì các lớp đều phải có đủ máy tính, máy chiếu. Muốn thí nghiệm thì phải có phòng thí nghiệm và dụng cụ thí nghiệm. Lớp 50 học sinh thì cô chỉ thực hiện nhiệm vụ cơ bản đã hết thời gian, không thể quan tâm tới từng học sinh.” PGS, Tiến sỹ Đặng Thị Oanh - Trưởng ban đào tạo trường Quốc tế Wellspring nhận định.

Cuối năm 2009, báo chí từng đề cập tới Trường tiểu học Lương Định Của, TPHCM như một hình mẫu cấp tiến trong giáo dục khi 100% lớp học tổ chức theo kiểu thảo luận nhóm. Bàn ghế học sinh được quay lại đối diện nhau để tạo ra sự giao tiếp và đối thoại giữa các em. Tuy thế, do không có bàn ghế chuyên biệt nên các em học sinh đều kêu “mỏi cổ” khi liên tục phải quay mặt về phía cô giáo.

“Xây dựng Chương trình thực sự đổi mới và triển khai thực hiện thành công không dễ chút nào. Thiếu đầu tư cho cơ sở vật chất và phương tiện dạy học, trình độ quản lý và trình độ giáo viên hạn chế, đặc biệt hệ thống quản lý đánh giá còn đang rất “cũ” là những rào cản lớn. Có thay đổi được những “rào cản” đó, giáo dục mới thực sự tạo được động lực thay đổi nội tại cho chính giáo viên, những người đang trực tiếp hàng ngày hàng giờ tạo ra những “sản phẩm” con người, những chủ nhân sẽ xây dựng xã hội tương lai của chúng ta.” Bà Lê Tuệ Minh kết luận.

Duy Khánh - Hiền Nguyễn (Nguồn từ vietnamnet.vn)

>> Kỳ 1: Nền giáo dục “đọc i xì” và “chép nguyên xi”

Kỳ 3: Các trường Quốc tế có thoát khỏi “cái bóng” của giáo dục áp đặt?