Việt kiều về nước đầu tư có giấy phép cư trú trong ba tháng cũng được mua nhà. Đó là nội dung quan trọng trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở và sửa đổi, bổ sung Điều 121 Luật Đất đai được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận chiều qua (26-2). Đây là lần đầu tiên lập pháp áp dụng nguyên tắc một luật sửa nhiều luật.
Trong hơn ba triệu Việt kiều định cư ở nước ngoài, có 70% vẫn còn quốc tịch Việt Nam, 30% là người gốc Việt Nam. Với mong muốn trở về quê hương đầu tư, làm ăn, tham gia các hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục, thăm gia đình, họ hàng, đã có nửa triệu Việt kiều được cấp giấy miễn thị thực, trong đó rất nhiều người có nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn hai năm Luật Nhà ở có hiệu lực, chỉ có hơn 140 trường hợp Việt kiều được công nhận quyền sở hữu nhà tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do quy định trói buộc của Điều 126 Luật Nhà ở. Theo đó, nhà văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam mới thuộc diện được sở hữu nhà. Tuy nhiên rất khó xác định điều kiện này trên thực tế. Hiện nay đã có một số nhà khoa học về Việt Nam giảng dạy, hợp tác nghiên cứu, làm chuyên gia nhưng vẫn không được sở hữu nhà vì cơ quan chức năng cho rằng mỗi năm họ chỉ về một, hai lần chứ không về thường xuyên nên mặc nhiên không được mua nhà.
“Theo khoản 2 Điều 126, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên được sở hữu một nhà ở. Tuy nhiên, pháp luật xuất nhập cảnh lại quy định chỉ cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong thời hạn tối đa 90 ngày, sau đó nếu có nhu cầu mới được gia hạn. Như vậy cũng không có đối tượng nào thuộc khoản 2 của điều này mua được nhà” - ông Quân phân tích.
Để gỡ vướng, Chính phủ kiến nghị sửa Điều 126 Luật Nhà ở theo hướng mở rộng đối tượng được sở hữu nhà. Cụ thể là người có quốc tịch Việt Nam (không phân biệt nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà đầu tư) có giấy phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên; là nhà văn hóa, nhà khoa học (không cần điều kiện trở về làm việc thường xuyên nữa); là người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu, người kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước và người được cấp giấy miễn thị thực vào Việt Nam đều được sở hữu nhà. Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội sửa Điều 121 Luật Đất đai theo hướng Việt kiều được sở hữu nhà thì cũng có các quyền về sở hữu nhà và sử dụng đất ở như công dân Việt Nam.
Nếu luật sửa đổi sớm được thông qua thì từ tháng 9-2009,
Việt kiều về nước mua nhà sẽ thuận lợi hơn. ảnh minh họa: HTD
Liệu có tình trạng đầu cơ?
Phần lớn ý kiến của UBTVQH đồng tình với việc sửa đổi trên nhằm tạo điều kiện hơn nữa để kiều bào về quê hương và cống hiến cho tổ quốc. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn, Nguyễn Đức Kiên đều cho rằng mở rộng đến đâu thì cần phải tính để đảm bảo các yếu tố như ổn định thị trường bất động sản trong nước. Một số ý kiến cho rằng chỉ nên quy định cho đối tượng trên được sở hữu một nhà riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư. Ông Kso Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và một số ý kiến của Ủy ban Kinh tế lo ngại việc không giới hạn sẽ dễ xảy ra tình trạng đầu cơ nhà đất.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nói rằng việc sửa đổi Điều 126 Luật Nhà ở theo hướng trên có thể ít nhiều tác động đến giá nhà ở trong nước. Tuy nhiên, tác động đó sẽ không lớn vì không phải ai trong hơn ba triệu kiều bào đều có nhu cầu sở hữu nhà trong nước. Nhiều người có nhu cầu thì đã nhờ người khác đứng tên, nay sửa luật sẽ tạo điều kiện để họ đứng tên trong các giấy tờ hợp pháp. Chúng ta đã thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong năm tới Quốc hội sẽ thông qua Luật Thuế nhà, đất nên vấn đề đầu cơ không đáng ngại.
Nếu được Quốc hội thông qua vào tháng 6 tới, đạo luật sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9-2009.
Theo Pháp Luật TPHCM