Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) được chính giới báo chí đánh giá vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin cho các phóng viên, nhà báo.
Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) (đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo) ra đời với mục đích nhằm bảo đảm quyền TCTT của cá nhân, tổ chức, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và góp phần phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, đối với các cơ quan báo chí, những quy định trong dự thảo Luật dường như vẫn chưa đáp ứng nhu cầu được cung cấp thông tin.
Loay hoay tìm đầu mối thông tin
Một trong những khó khăn lớn nhất của phóng viên khi tác nghiệp là việc tìm đúng địa chỉ đầu mối thông tin. Chị H., một phóng viên mảng kinh tế - xã hội cho biết: “Có cơ quan có người đại diện phát ngôn đã đành, nhưng nhiều nơi thì đúng như lạc vào sa mạc vì không biết hỏi ai. Việc chạy từ phòng nọ sang phòng kia, người nọ từ chối khéo và chỉ định người kia là chuyện bình thường”.
Trên thực tế, nhiều cơ quan nhà nước cũng đã có người phát ngôn (theo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí), song về cơ bản, hoạt động của người phát ngôn là không thường xuyên, chỉ mang tính định kỳ và theo một số vụ việc. Nhiều nơi người phát ngôn chỉ mang tính chất “hữu danh vô thực”.
Chưa kể, hầu hết các văn bản hiện hành mới chỉ dừng lại ở việc xác định trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước cũng như quyền tự do thông tin mang tính nguyên tắc, khái quát hơn là tính thực tiễn. Các quy định về TCTT chủ yếu giao quyền tự quyết định việc cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thông tin thuộc lĩnh vực phụ trách và kết quả là mỗi cơ quan, mỗi lĩnh vực lại có những quy định khác nhau về cách thức, quy trình cung cấp thông tin.
Khắc phục tình trạng này, Điều 32 Dự Luật TCTT đã xác định, cơ quan nắm giữ thông tin có trách nhiệm chỉ định, bố trí bộ phận cán bộ, công chức làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu TCTT, bố trí hợp lý cán bộ, công chức bảo đảm việc TCTT theo quy định của Luật, đồng thời tăng cường cung cấp thông tin thông qua hoạt động của người phát ngôn của cơ quan.
Song những quy định về thời gian cung cấp, nội dung thông tin theo yêu cầu cũng như chế tài xử phạt... chưa được quy định rõ sẽ khiến cho việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước không được thực hiện một cách triệt để, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đền bù giải toả, dự án ưu đãi, các khoản tín dụng, cứu trợ thiên tai...
Bên cạnh đó, chị H còn lo ngại việc thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc công khai thông tin là nguy cơ phát sinh tình trạng lợi dụng đặc quyền, đặc lợi của những người có điều kiện, vị trí công tác dễ dàng tiếp cận thông tin để trục lợi, gây nên sự bất bình đẳng, thiếu công bằng trong xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư.
Trang thông tin điện tử, có hiệu quả?
Theo các thành viên Ban soạn thảo Luật TCTT, trang thông tin điện tử của các cơ quan sẽ là một kênh thông tin hữu hiệu để báo chí cũng như người dân có thể dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận với nguồn tin. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như những trang thông tin điện tử này hoạt động cầm chừng và không hiệu quả.
Xét trên phương diện nội dung thì báo chí và người dân gần như không khai thác được thông tin gì mới và nhiều từ các trang này. “Có những trang tin điện tử lập ra lấy lệ, tổng hợp tin tức từ các báo viết về hoạt động của bộ, ngành mình. Một số trang đã có ý thức phản ánh các hoạt động trong, ngoài ngành song thông tin thường chậm, quá ít, tin cần thì không có, tin có thì không cần”, anh T.M, phóng viên của một tờ báo pháp luật cho hay.
Một nghịch lý vốn tồn tại lâu nay, trang thông tin điện tử vốn được xem là “bộ mặt” của cơ quan, là công cụ hữu hiệu chuyển tải thông tin nhưng lại không được đầu tư chăm chút, để ý. Một phần nguyên nhân do người đứng đầu không đánh giá hết tầm quan trọng nên không chú trọng xây dựng, hầu hết những người thực hiện đều kiêm nhiệm nên không có thời gian để làm.
Anh M. đánh giá, nét mới của Luật là chuyển hướng cung cấp thông tin sang trang thông tin điện tử, tuy nhiên cần có quy định rõ các nội dung sẽ công khai trên đó như hoạt động trong tuần của cơ quan, đơn vị để mọi người có thể theo dõi, vì theo anh M, việc thiếu minh bạch, công khai trong hoạt động quản lý nhà nước đã phần nào làm hạn chế sự tham gia của báo chí vào hoạt động quản lý nhà nước với tư cách là người giám sát, phản biện.
Lưu Thủy