Những chi tiết nhỏ xây dựng trong nội thất không nên xử phạt sai phép khi kiểm tra công trình. Ảnh minh họa: HTD Phường chờ quận, quận chờ thành phố ra văn bản hướng dẫn cụ thể.
Như Báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tại hội thảo “Nhà sai phép – Nguyên nhân và giải pháp” do Báo tổ chức sáng 20-2, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên và Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Quách Hồng Tuyến đều khẳng định cách xử lý lâu nay của một số nơi là vi phạm pháp luật. Thay vì chỉ cần làm y theo các nội dung cơ bản ghi trong giấy phép xây dựng, người dân bị buộc phải làm giống từng chi tiết của bản vẽ thiết kế và hễ sai chi tiết nào thì đều bị xem là sai phép và bị xử phạt. Đến nay, các quận, huyện đã có sự điều chỉnh cần thiết để đỡ hành dân?
Phường chờ quận, quận chờ thành phố
“Quận chúng tôi hoàn toàn tán thành các quan điểm xử lý hợp lẽ nêu trên. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể triển khai đến các thanh tra viên và các phường vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể!” - ông Trần Văn Hưởng - Chánh thanh tra xây dựng quận 10 cho biết như trên.
Ông Trần Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường 8, quận Tân Bình, cũng có y kiến tương tự: “Qua Báo Pháp Luật TP.HCM, tôi được biết Chánh thanh tra Bộ Xây dựng đã có cách “gút” rất phù hợp với thực tế quản lý xây dựng. Nhưng theo đúng nguyên tắc hành chính, chúng tôi buộc phải chờ chỉ đạo cụ thể từ phía UBND quận về các nội dung kiểm tra xây dựng sai phép”. Cũng theo ông Tâm, việc thực hiện số phần trăm diện tích thông thoáng trong mỗi căn nhà còn là một vướng mắc lớn. Giấy phép xây dựng buộc phải chừa 10% nhưng thực tế chủ nhà thường chỉ chừa 7%-8%. Trước giờ, phường cũng du di nhưng sắp tới, phường rất mong có những hướng dẫn chi tiết trường hợp nào phải điều chỉnh giấy phép xây dựng, trường hợp nào buộc phải tháo dỡ công trình. Hơn nữa, chính quyền cần quy định chặt chẽ về màu sắc của công trình cho phù hợp với cảnh quan kiến trúc của đường phố từng khu vực.
Tại UBND phường 8, quận 10, ông Nguyễn Hữu Thanh - Chủ tịch phường cũng băn khoăn vì đến giờ chưa nhận được chỉ đạo gì của cấp trên. Lâu nay phường này không xử lý những trường hợp thực hiện sai các chi tiết nhỏ. “Tại thời điểm này, chúng tôi vẫn triển khai việc kiểm tra xây dựng như cũ chứ chưa có thêm nội dung gì mới!”. Ông Thanh đánh giá: “Hội thảo đã đưa ra hướng xử lý thật đúng đắn, tức nhà nước chỉ kiểm tra các nội dung như diện tích, quy hoạch, chỉ giới xây dựng, tầng cao và dành cho người dân quyền quyết định về nội thất”.
Tiếp tục làm như cũ
Ngược lại, Thanh tra xây dựng quận 12 vẫn tiếp tục “canh cửa” rất chặt đối với tất cả vi phạm xây dựng của người dân. Hễ công trình có vi phạm là thanh tra yêu cầu người dân đi điều chỉnh giấy phép ngay. Ông Lê Tấn Tài - Chánh thanh tra xây dựng quận 12 nêu rõ chính kiến: “Đồng ý là tới đây, những thay đổi về vị trí bếp, cầu thang, nhà vệ sinh... không bị xem là vi phạm và không bị phạt. Nhưng do chưa có văn bản cụ thể nên chúng tôi vẫn làm như cũ”.
Theo ông Trần Văn Hưởng, Chánh thanh tra xây dựng quận 10, không riêng gì ông mà cả TP.HCM và các tỉnh khác cũng lúng túng khi áp dụng Luật Xây dựng. Bởi lẽ theo Điều 121 của luật này thì dù vi phạm nhỏ cũng phải xử lý. Ông lưu ý: “Những ý kiến tại hội thảo chỉ có tính chất tham khảo chứ không có hiệu lực trong thực tế. Có thể tôi hiểu, một số thanh tra viên của quận cũng hiểu nhưng chắc gì hết thảy thanh tra viên đều hiểu, nhất là đối với các thanh tra xây dựng ở phường vốn có trình độ không đồng đều. Nhưng nếu chúng tôi muốn thống nhất triển khai cho phường và các thanh tra viên thì biết dựa trên cơ sở nào?”.