“Tôi nghĩ các bậc phụ huynh nên ý thức rằng việc chọn trường giờ đây không chỉ là chọn một cánh cổng mà còn là chọn một con đường cho quá trình phát triển và trưởng thành của con mình.” Bà Lê Tuệ Minh, giám đốc Trường Quốc tế WellSpring nhận định.
Mặc dù đang theo học tại một trường THPT thuộc hàng “top” ở Hà Nội, tuy nhiên, những kiến thức mà Quang Minh học được ở trường lại không mấy giúp ích cho quá trình thực hiện “ước mơ du học” của mình. Để đạt được ước mơ, sau khi “học khoán” cho xong hết các môn học ở trường, cậu lại tất bật ở các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm “luyện thi SAT”, rồi gia sư “tây, ta”.
Tuy nhiên, khi sang đến Mỹ, năm đầu tiên cậu cũng thực sự bị “choáng” bởi phương pháp học tập ở trường Đại học. “Lúc đầu mình nói mọi người chẳng hiểu gì và ngược lại. Mình choáng nhất là sinh viên phải hoàn toàn chủ động trong chương trình học tập của mình, tự tìm thầy, tự đăng ký những tín chỉ mình muốn học hoặc phải bổ sung. Quá trình học phần lớn là tự tìm tài liệu, tự học, trên lớp thầy chỉ thảo luận những vấn đề còn khó khăn. Cách học này hoàn toàn khác kiểu “đọc, chép” ở Việt Nam. Chưa kể đến cuộc sống ở đây, tất cả đều phải tự lập trong khi ở nhà, cốc sữa cũng được mẹ bưng lên tận nơi.” Minh cho biết.
Thiếu ý thức đầu tư nền tảng nếu muốn con “Tây học”
Tuy vậy, dẫu sao Quang Minh cũng đã nỗ lực vượt bậc để thực hiện thành công ước mơ du học của mình. Trong khi đó, đa số học sinh trung học sẽ thi vào các trường Đại học trong nước. Mặc dù, cả học sinh và phụ huynh đều nghĩ rằng du học ở những nước tiên tiến mới là con đường tốt hơn cho một tương lai sáng sủa của con mình.
Chị Vũ Hương Lan (Hà Nội), mẹ của một du học sinh tâm sự: “Tôi không muốn con mình cứ quanh quẩn mãi với tư duy tìm mọi cách “chạy” vào trường Đại học công rồi ra trường lại “chạy” việc làm vào cơ quan nhà nước. Đi làm rồi lại “chạy chọt” dự án này dự án kia. Cả đời cứ “chạy” như thế mà cá nhân con mình và cả xã hội nữa vẫn chẳng thấy đi đến đâu. Tôi quan niệm phải cho con được học tử tế ở những nước tiên tiến và xa hơn là làm việc ở đó lâu dài.”
Nhận thức và mục tiêu như chị Hương Lan trùng khớp với suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ những bậc cha mẹ có học thức và điều kiện kinh tế khá giả ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, không phải ai cũng thành công và nguyên nhân không chỉ là vấn đề tài chính eo hẹp.
“Nhiều vị phu huynh có điều kiện tài chính nhưng không sao thực hiện được ước mơ cho con học hành “thành tài” tại các trường Đại học lớn ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc. Nguyên nhân là họ chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc “đầu tư" cho con em từ giai đoạn cơ sở để có được lộ trình học tập và các kỹ năng như mong muốn.” Thạc sỹ quản lý giáo dục Lê Tuệ Minh, giám đốc Trường quốc tế WellSpring lý giải.
Chị Vũ Hương Lan có chung nhận định trên: “Tôi nghĩ các bậc phụ huynh đã thiếu định hướng và thiếu ý thức định hướng cho con em ngay từ đầu. Tôi rất ngạc nhiên khi nhiều giám đốc, tổng giám đốc các công ty lớn nhưng vẫn để con học hành rất lơ vơ ở những trường chẳng ra đâu vào mới đâu. Hoặc có chọn trường quốc tế đắt tiền cho con học cũng là vì sỹ diện hơn là thực sự quan tâm tới tương lai giáo dục của con.”
Tốn kém và gian nan vì học những kiến thức “phi chuẩn”
Không có định hướng và đầu tư từ cấp cơ sở dẫn tới những khó khăn rất lớn cho nhiều học sinh trên con đường vào cánh cổng của các trường Đại học đạt tiêu chuẩn thế giới. Thành công thuộc về một số cá nhân đặc biệt xuất sắc và năng động, trong khi phần còn lại đáng lẽ đã có thể làm được điều tương tự nếu có sự chuẩn bị dài hạn hơn.
“Các bạn cùng lớp em thường không có đủ trình độ ngoại ngữ để đạt chuẩn nhập học ở nước ngoài. Các cô cũng nhắc phải học ngoại ngữ cho tốt nhưng thời gian còn phải tập trung vào ôn thi Đại học chứ. Thứ nữa là đa số các bạn không đủ tự tin và năng động để vào mạng tìm kiếm thông tin học bổng.” Nam Trung, một học sinh lớp 11 vừa đoạt được học bổng đi Mỹ, lý giải hai rào cản trên con đường du học của học sinh Việt Nam.
Để bù đắp kỹ năng ngoại ngữ cần thiết, các bậc phụ huynh đã vất vả và tốn kém gửi con em vào học ở nhiều Trung tâm ngoại ngữ danh tiếng, mời gia sư cả Tây lẫn ta về phụ đạo. Tuy vậy, chỉ kiến thức ngoại ngữ thôi là không đủ, điều kiện cần là cả hệ thống giáo dục nội địa phải được cập nhật và tương thích với những chuẩn mực của thế giới. |
Ảnh minh họa |
Đa phần hệ thống Giáo dục phổ thông trong nước không chỉ chưa làm được nhiệm vụ chuẩn bị tốt nhất về ngoại ngữ mà còn về học thuật, kỹ năng sống và phát triển toàn diện các năng lực hoạt động thể thao, xã hội… của học sinh. Tất cả các yếu tố này đều quan trọng trong việc nộp hồ sơ vào những trường TOP của Âu Mỹ.
Đặc biệt yếu tố học thuật được hiểu là hệ thống bằng cấp không tương thích cũng như phương pháp học tập không phù hợp. Sự thiếu tương thích này khiến rất nhiều nỗ lực cho con em “học ngược, học xuôi” của cha mẹ như muối bỏ bể bởi những chứng chỉ và kiến thức đó không phù hợp và đạt chuẩn đầu vào của các trường nước ngoài. Nhiều học sinh du học vẫn phải học lại tiếng Anh, dự bị Đại học... gây ra những tốn kèm thời gian và tiền bạc không cần thiết.
Các trường Quốc tế là một giải pháp lấp lỗ hổng này của hệ thống giáo dục Việt Nam. Nhưng không phải trường Quốc tế nào cũng đáp ứng đủ những yêu cầu trên. Mặc dù Chương trình kiến thức chính vẫn có thể sử dụng Chương trình Việt Nam nhưng Chương trình quốc tế bổ trợ (tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai và các môn Toán, Khoa học, ICT) phải thực sự là Chương trình quốc tế bắc cầu cho quá trình chuyển tiếp sang nền giáo dục tiên tiến của thế giới.
Điều quan trọng là Chương trình đó phải trang bị cho các em khả năng sử dụng tiếng Anh trong học tập và cuộc sống, khả năng tư duy, kỹ năng học tập theo phương pháp quốc tế và đặc biệt quan trọng là chuẩn bằng cấp phải tương thích và được công nhận tại các cấp học ở nước ngoài, đặc biệt là các trường Đại học danh tiếng.
“Đó là lý do tại sao khi xây dựng trường Wellspring chúng tôi hướng đến chọn chương trình của quốc tế của Anh Quốc, là chương trình được chấp nhận rộng rãi ở các nước trên thế giới nói tiếng Anh như Mỹ, Canada, Úc, Singapore. Khi một trường quốc tế cũng học Toán, Khoa học và ICT nhưng không theo một hệ chương trình chuẩn nào, lại không có sự phân phối chương trình kết hợp song song với chương trình Việt Nam để tối ưu hóa kiến thức và thời lượng thì hiệu quả của Chương trình đó rất thấp mà học sinh lại bị quá tải. …” Bà Lê Tuệ Minh nhận định.
Chọn con đường thay vì cánh cổng
Hệ thống của Anh Quốc như CIE có khá nhiều những đặc điểm khác biệt với hệ thống Việt Nam. Về mặt kiến thức, hết lớp 8 của Việt Nam tương đương với bằng Checkpoint của CIE. Các bâc học tiếp theo là International O Level hoặc IGCSE là các bậc Trung học phổ thông theo tiêu chuẩn quốc tế của Anh Quốc, tương đương với lớp 11 của Việt Nam. Tiếp nữa, học sinh có thể học tiếp theo 3 nhánh: cao đẳng học nghề 2 năm; khóa đào tạo dự bị (Foundation Course) để theo học các trường Đại học bình thường; học tiếp A Level 2 năm để vào các trường Đại học hàng đầu thế giới.
Chương trình quốc tế CIE đã được tối ưu hóa để học sinh có thể lựa chọn một số con đường cho mình, ngay từ cấp Trung học phổ thông như IGCSE đã bắt đầu phân nhánh theo các chuyên ngành phù hợp với đặc điểm nhu cầu từng đối tượng học sinh. Trong khi đó, chương trình ở Việt Nam lên tới hết cấp III vẫn tiếp tục đào tạo kiến thức cơ sở mang tính đại trà.
“Người thiết kế chương trình phải hiểu thấu đáo các nhu cầu và khả năng khác nhau của học sinh Việt Nam để tạo ra các lộ trình tối ưu. Nếu muốn thi Đại học tại Việt Nam, học sinh vẫn có thể học chương trình bình thường và tăng cường tiếng Anh thôi. Nếu muốn du học lại có thể chọn hệ quốc tế hoàn toàn theo từng phân nhánh cụ thể.” Tiến sỹ giáo dục Adam Beales, Giám đốc Chương trình quốc tế tại trường Wellspring phân tích.
“Tối ưu hóa lộ trình học tập để mở ra những cơ hội đa dạng cho học sinh là ưu tiên hàng đầu của một chương trình giáo dục. Tôi nghĩ các bậc phụ huynh nên ý thức rằng việc chọn trường giờ đây không chỉ là chọn một cánh cổng mà còn là chọn một con đường cho quá trình phát triển và trưởng thành của con mình.” Bà Lê Tuệ Minh, giám đốc Trường Quốc tế WellSpring kết luận.
Duy Khánh
>> Kỳ 1: Nền giáo dục “đọc i xì” và “chép nguyên xi”
>> Kỳ 2: Giáo dục áp đặt: Từ sai lầm người lớn tới nỗi buồn con trẻ
>> Kỳ 3: Các trường Quốc tế có thoát "cái bóng" của giáo dục áp đặt?
Kỳ 5: Giáo dục vì bằng cấp hay vì hạnh phúc học sinh?