“Do thực trạng giáo dục Việt Nam yếu kém nên rất nhiều phụ huynh không yên tâm. Điều đó tạo ra một tâm lý hay nói chính xác hơn là một nhu cầu, một cơn khát cho con em mình học một trường tốt.” Ông Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD-ĐT nhận định.
Với nhận định trên, ông Hào đã nói thay lời nhiều phụ huynh về một mong muốn có thật của họ. Nhu cầu cho con cái được thụ hưởng một nền giáo dục hoàn thiện là chính đáng và trong khoảng 5 năm trở lại đây, tại Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều trường mới nhằm đáp ứng nhu cầu trên.
Các trường quốc tế là những ví dụ điển hình. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, trong vòng 4 năm qua, nhiều trường quốc tế đã ra đời, khởi động bằng mô hình Trường Kinderworld, rồi tới Việt Úc, Dreamhouse và Hà Nội Academy… Mô hình trường quốc tế đã chứng minh những hiệu quả nhất định.
“Cháu tôi học lớp 6 ở trường quốc tế. Tôi thấy cách tiếp cận bài giảng của họ có khác trường công. Cụ thể, bài học Kính hiển vi, các cháu học lí thuyết rất nhanh sau đó được nhận 1 chiếc kính để sử dụng theo hướng dẫn của thầy giáo. Còn ở trường công, họ chỉ dạy lí thuyết là chủ yếu.” Bác Trần Văn Đặng (Hà Nội) nói về một ưu điểm của trường quốc tế.
Tuy nhận được nhiều phản hồi tích cực, các bậc phụ huynh vẫn tỏ ra rất băn khoăn khi quyết định có cho con theo học trường quốc tế hay không. Trao đổi với một số phụ huynh và các nhà nghiên cứu giáo dục, phóng viên VietNamNet nhận thấy có 2 “lăn tăn” lớn cần lời giải đáp triệt để.
Chất lượng quốc tế hay chỉ “tiền” quốc tế?
“Khi đã hội nhập thì việc các nhà đầu tư mở trường quốc tế là không thể tránh được. Mặt tích cực là với sức mạnh tài chính, các trường có điều kiện tiếp thu được những cái tốt của giáo dục quốc tế. Tuy vậy, mô hình này chỉ dành cho những gia đình có nhiều tiền.” Ông Nguyễn Kế Hào nhận định về xu hướng lên ngôi của các trường quốc tế hiện nay.
Thực tế, mức học phí của các trường quốc tế tại Hà Nội hiện nay vào khoảng trên dưới 3500 đôla Mỹ một năm ở cấp tiểu học và cao hơn ở các cấp học tiếp theo. Đó là con số không nhỏ so với thu nhập trung bình của người Việt. Nhưng ngày càng nhiều gia đình muốn cho con học trường tốt hiểu rõ khía cạnh thị trường của giáo dục. “Trường học tư giống như doanh nghiệp thôi, bán sản phẩm dịch vụ, mà đã là doanh nghiệp thì phải đầu tư có lãi.” Nick hd_0306 bình luận trên diễn đàn webtretho.
“Đắt một tí, nhưng chất lượng thế nào mới quan trọng,” là tâm sự của rất nhiều bà mẹ khi trao đổi về chọn trường quốc tế cho con trên các diễn đàn mạng như webtretho. Số lượng và sự đa dạng ý kiến trên các diễn đàn này càng chứng tỏ mối quan tâm sâu sắc về chất lượng giáo dục của các trường quốc tế. Diễn đàn Webtretho đã có tới 53 trang trao đổi về Trường Hà Nội Academy từ năm 2009 tới nay. Trường Wellspring tháng 8 này mới khai giảng nhưng đã có 6 trang trang bình luận giữa các thành viên.”
“Chất lượng, uy tín, danh tiếng là tất cả trong đầu tư vào các sản phẩm giáo dục như thế này. Với vốn đầu tư trung bình khoảng 500-700 tỉ cho một trường, chúng tôi không được phép nghĩ tới cái ngắn hạn. Phát triển bền vững thì không thể mạo hiểm vừa làm vừa điểu chỉnh được, phải xây dựng quy trình chất lượng nghiêm ngặt ngay từ ban đầu.” Bà Lê Tuệ Minh, giám đốc trường quốc tế WellSpring chia sẻ.
Chị Nhật Mai, một phụ huynh đang định gửi con vào trường quốc tế lại có “nỗi sợ” khác. Chị e ngại với mức tiền chỉ nhà giàu vào được, con chị sẽ phải học với các “cậu ấm, cô chiêu” hư hỏng. Chị nói: “Có khi các bạn ngoan, giỏi thì gia đình lại không có điều kiện theo học. Các gia đình giàu có, chiều chuộng con cái lại có tiền cho con học và nghĩ rằng: “ta đóng từng đấy tiền thì phải thế này, thế kia. Con chị học với các bạn như vậy thì chị chết khiếp.”
Nỗi e sợ được bà Lê Tuệ Minh giải đáp: “Với trường WellSpring, chúng tôi có 2 vòng phỏng vấn và trắc nghiệm khi tuyển sinh đối với học sinh và phỏng vấn với phụ huynh để đảm bảo sự thống nhất trong quan điểm giáo dục với nhà trường. Chúng tôi xin được giữ quyền không chấp nhận những ai có quan điểm đi ngược lại nguyên tắc “tôn trọng và tích cực” của mình. Chúng tôi không đánh giá theo tiêu chí học sinh phải “học giỏi, gia đình cơ bản” theo kiểu truyền thống, nhưng rất coi trọng những ai chia sẻ triết lý học tập chủ động, tích cực và biết tôn trọng, yêu thương người khác. Vô cảm thì học giỏi đến mấy cũng không có ý nghĩa gì.”
Giáo dục Quốc tế hay vẫn áp đặt kiểu Việt Nam?
“Cái mình hy vọng là trẻ con được học tư duy , thực hành nhiều hơn là lý thuyết, không biết trường này thế nào ... đang lăn tăn quá…” Thành viên linhdan0268 chia sẻ trên diễn đàn webtretho về việc chọn trường quốc tế cho con.
Nỗi lo lắng trên xuất phát từ thực tế nền giáo dục ở đa số trường công Việt Nam vẫn giáo điều, xơ cứng, nặng lý thuyết và không thiết thực với học sinh. “Nhiều người suy nghĩ phải kiếm tiền cho con du học nước ngoài mới yên tâm, mất mát lớn nhất là chúng ta đã để mất niềm tin của phụ huynh vào nền giáo dục này.” Ông Nguyễn Kế Hào nói.
Không ít người đã hi vọng các trường quốc tế sẽ là “phao cứu sinh”, neo giữ niềm tin đang mất mát ấy. Các trường quốc tế cũng đã rất mạnh dạn đi theo những con đường mới, nhưng phụ huynh và các chuyên gia giáo dục cũng vẫn đặt câu hỏi: Phải chăng các trường quốc tế vẫn chỉ nỗ lực đáp ứng được nhu cầu trước mắt của xã hội như tăng cường tiếng Anh, chăm sóc đưa đón tốt học sinh, tăng hoạt động thể chất… chứ không xây dựng được một chương trình giáo dục tích hợp và tiên tiến thực sự?
“Một bộ phận người dân có nhu cầu, điều kiện cao hơn nên các trường quốc tế nảy sinh để đáp ứng. Nhu cầu muốn con em giỏi ngoại ngữ khiến các trường này phải dạy ngoại ngữ tăng cường, có khi từ mầm non. Có trường quá đà dạy tới 3 ngoại ngữ. Đây cũng là một kiểu áp đặt theo ý chí và mục tiêu của người lớn khác.” Ông Nguyễn Kế Hào tiếp tục.
Vừa phải dạy các chương trình theo chuẩn của Bộ GD-ĐT Việt Nam, vừa phải bổ sung các chương trình mang tính “quốc tế” khác, các trường quốc tế có đảm bảo không tạo ra một sự nhồi nhét khác, áp đặt khác theo đúng mô típ các trường công đang mắc phải? Nếu chỉ làm theo kiểu “cộng cơ học” từng chương trình như một số trường quốc tế hiện nay vẫn công bố: chương trình Bộ giáo dục Việt Nam, Chương trình quốc tế (Anh, Mỹ, Úc, Singapore...), Chương trình Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai rồi Kỹ năng sống, Nghệ thuật, Thể thao, Ngoại khóa v.v…. học sinh có bị quá tải hoặc “cái gì cũng học nhưng chẳng biết chắc cái gì”?
Phóng viên VietNamNet đã chia sẻ băn khoăn này với bà Lê Tuệ Minh, giám đốc trường quốc tế WellSpring.
“Dù áp dụng chương trình quốc tế tiên tiến gì thì điều căn bản để giải quyết sự “áp đặt” vẫn là phải thực sự hiểu sâu sắc được mục tiêu của trường theo đuổi, trong đó bao gồm mục tiêu lớn và mục tiêu nhỏ trong từng hoạt động do nhà trường thiết kế. Các mục tiêu đó phải xuất phát từ mục tiêu của học sinh, phụ huynh cũng như phù hợp với các nhu cầu của một xã hội đang phát triển và hội nhập toàn cầu. Khi hiểu được bản chất từng vấn đề, từng nguyện vọng… trường mới có thể tìm được hướng đi, giải pháp và kế hoach thực hiện cụ thể của riêng từng trường chứ không thể có chung một đáp số cho tất cả các trường.” Bà Lê Tuệ Minh giải đáp.
Việc không thấu hiểu rõ mục tiêu dẫn tới sự chồng chéo và thiếu hiệu quả trong việc áp dụng các chương trình quốc tế. Ví dụ, không ít trường áp dụng các môn quốc tế như Toán, Khoa học, Công nghệ thông tin (ICT)… bằng tiếng Anh nhưng “bê” nguyên xi chương trình nước ngoài thay vì tìm hiểu đúng nhu cầu, trình độ và định hướng tương lai của học sinh đối tượng của trường để thực sự bổ sung những gì cần thiết, vì các nội dung kiến thức của 3 môn này về cơ bản đều được học trong chương trình của Bộ GD Việt Nam.
Áp dụng nguyên xi từ một chương trình quốc tế nào đó từ hệ chương trình, sách giáo khoa, học liệu áp dụng cho đến cách thức giảng dạy không đảm bảo chất lượng và tính hữu ích của việc học. Mặc dù giáo viên nước ngoài khá chủ động nhưng nếu không làm cho họ hiểu rõ mục tiêu và đặc thù của học sinh Việt Nam, không có “chương trình chi tiết” để định hướng giảng dạy và “quản lý nội dung, chất lượng”, mô hình giáo dục cũng sẽ mất phương hướng và không hiệu quả.
“Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định phải xây dựng lại một chương trình chi tiết thực sự của riêng trường, dành riêng cho các đối tượng học sinh của trường một cách bài bản và có hệ thống, thực sư đáp ứng được các mục tiêu giáo dục toàn diện đã đề ra như Tri thức - Trí tuệ, Nhân cách - Tâm hồn và Năng lượng - Cảm xúc. Học sinh khi hiểu rõ mục tiêu sẽ có động lực học tập tự thân “từ bên trong”. Đó mới là nền móng vững chắc nhất cho một “nền giáo dục khích lệ, khơi nguồn chứ không áp đặt”. Bà Minh kết luận.
Duy Khánh - Hiền Nguyễn
>> Kỳ 1: Nền giáo dục “đọc i xì” và “chép nguyên xi”
>> Kỳ 2: Giáo dục áp đặt: Từ sai lầm người lớn tới nỗi buồn con trẻ
Kỳ 4: Chọn trường - chọn cả tương lai cho con