Ngày 11/6, đại diện UBND TPHCM ký kết với công ty Hitachi (Nhật Bản) hợp đồng gói thầu số 3 cho tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Theo đó, Hitachi sẽ cung cấp 17 đoàn tàu với giá 37 tỉ yên (gần 8.000 tỉ đồng).
Theo hợp đồng, Hitachi sẽ cung cấp các hệ thống đầu máy toa xe gồm 17 đoàn tàu 3 toa (tổng cộng 51 toa), hệ thống tín hiệu, hệ thống viễn thông thông tin liên lạc, hệ thống cung cấp điện, hệ thống cửa chắn ke ga, thu phí tự động và tiện ích depot. Hitachi cũng đảm nhận công việc bảo dưỡng 5 năm sau khi bắt đầu vận hành, thông qua một thoả thuận chi tiết ở giai đoạn sau.
Đây được xem như dự án đường sắt đô thị hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam, và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA) đã cam kết cung cấp vốn ODA theo điều khoản đặc biệt (STEP).
Hitachi cho biết sẽ tiếp tục các hoạt động nhắm đến mở rộng các cơ hội kinh doanh đối với nhiều tuyến đường sắt đô thị đang được nghiên cứu và triển khai ở Tp.HCM và Hà Nội.
Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị số 1 Tp.HCM được dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2018. Tuyến có chiều dài tổng cộng 19,7 km (bao gồm cả đoạn đi trên cao và đoạn đi ngầm) kết nối trung tâm Tp.HCM với của ngõ Đông Bắc thành phố.
Cụ thể các thiết bị mà Hitachi cung cấp bao gồm: 17 đoàn tàu (tàu 3 toa) có vận tốc tối đa trên không là 110km/h và vận tốc tối đa ngầm dưới đất là 80km/h; hệ thống tín hiệu, hệ thống cấp điện, hệ thống thông tin liên lạc, cửa chắn ke ga, hệ thống thu phí tự động, tín hiệu và biển báo, đường ray, hệ thống tiếp điện trên cao…
Theo ông Kiyoaki Iigaya, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á của Hitachi, mỗi đoàn tàu có sức chở tối đa 130 người (dựa theo số ghế và số tay cầm cho hành khách đứng). Tuy nhiên, ông Kiyoaki Iigaya cho biết: “Nếu lèn chặt, đứng không có kẽ hỡ như các tàu điện ngầm ở Nhật trong giờ cao điểm thì sức chở có thể gấp 2,5 lần, tức là khoảng 300 hành khách”.
Ông Kiyoaki Iigaya nói: “Các thiết bị như đầu máy toa xe, hệ thống tín hiệu, hệ thống thông tin liên lạc, tín hiệu và biển báo sẽ được nhập khẩu từ nhật. Còn các thiết bị còn lại chúng tôi đang tiến hành tìm kiếm và đàm phán với các nhà sản xuất để chế tạo ngay tại Việt Nam”.
Cũng theo ông Kiyoaki Iigaya thì đoàn tàu đầu tiên sẽ đến Việt Nam vào năm 2016. Từ năm 2016 cho đến đầu năm 2018, 17 đoàn tàu sẽ có mặt tại Việt Nam để chuẩn bị cho tuyến metro số 1 đưa vào khai thác thương mại.
Tuyến metro số 1 là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM, Sài Gòn –Suối Tiên, (có Ga ở Thảo Điển Pearl), dài 19,7km kết nối trung tâm thành phố với cửa ngõ Đông Bắc. Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM, đây là công trình giao thông quy mô lớn mà thành phố đeo đuổi nhiều năm nay, tổng vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.
Theo VnEconomy, Dân trí