Liên kết web
Tin tức - Sự kiện
Saigon Pearl - cấu thành Khu Bờ Tây Sông Sài Gòn, thuộc Lõi Trung Tâm Tp.HCM

Năm 2007, trước nhu cầu chỉnh trang, cải tạo khu trung tâm hiện hữu của thành phố, UBND Tp.HCM đã tổ chức cuộc thi quốc tế "Ý tưởng thiết kế đô thị khu trung tâm hiện hữu mở rộng TP HCM". Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) đã đoạt Giải và UBND Tp.HCM giao Đơn vị này tiếp tục thực hiện đồ án, còn Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp.HCM sẽ hoàn chỉnh Đồ án, Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu vực Trung tâm Tp.HCM.

Ngày 09/05/2013, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM tổ chức hội nghị công bố Quyết định của UBND Tp.HCM (số 6708/QĐ-UBND ngày 29/12/2012) phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng khu Trung tâm hiện hữu Tp.HCM, do công ty Nikken Sekkei tư vấn lập Đề án. Theo đó, diện mạo trung tâm TP.HCM sẽ có nhiều thay đổi về cảnh quan, chức năng và tiện ích. Đây là lần đầu Tp.HCM có Quy hoạch tổng thể toàn bộ khu Trung tâm, để làm cơ sở quản lý xây dựng đô thị, bảo vệ cảnh quan, chỉnh trang phục vụ sự phát triển.

Ranh giới khu Trung tâm Tp.HCM theo Quy hoạch mới (diện tích 929,02 ha) gồm các phường: Nguyễn Thái Bình, Bến Thành, Bến Nghé, Phạm Ngũ Lão, một phần P.Cầu Ông Lãnh, một phần P.Đa Kao (Q.1), P.6 và một phần P.7 (Q.3), các P.9, 12, 13, 18 (Q.4), P.22 và một phần P.19 (Q.Bình Thạnh). Ranh giới khu trung tâm gồm: bắc giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh - rạch Thị Nghè; tây giáp đường Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu - Cách Mạng Tháng Tám; nam giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh - Nguyễn Thái Học - Cầu Ông Lãnh - Vĩnh Phước - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành; đông giáp sông Sài Gòn.

Dân số khu Trung tâm Tp.HCM dự kiến 248.190 người; hệ số sử dụng đất là 3,80 (chưa tính đất công viên); chiều cao tối đa 230m; mật độ xây dựng từ 3 ~ 80%.

Khu Trung tâm sẽ có hệ thống Giao thông công cộng với các tuyến và nhà ga UMRT (hệ thống đường sắt đô thị ngầm), BRT (hệ thống xe buýt nhanh, chạy từ Q.4 về Q.1 và từ ga Bến Thành sang Q.7) và LRT (vận tải đường sắt hạng nhẹ) phủ khắp các tuyến đường. Các tuyến xe điện nhẹ dọc bờ sông Sài Gòn đưa Khách tiếp cận dải Công viên bờ sông và các Trục đường đi bộ. Tương lai, các tuyến xe điện nhẹ này sẽ kết nối giao thông với bán đảo Thanh Đa – Bình Quới (Q.Bình Thạnh).

Quy hoạch lần này bố trí cho khu Trung tâm Tp.HCM thêm hơn 70ha cây xanh từ các khu công viên dọc bờ sông Sài Gòn, khu cây xanh cách ly và cây xanh trên vỉa hè.

Khu Trung tâm này sẽ mở rộng không gian đô thị về phía Sông Sài Gòn.

Trung tâm thành phố được phân chia thành 5 vùng đặc thù với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, định hướng quy hoạch và cải tạo đô thị khác nhau.

o    Phân khu 1 (CBD) là khu vực tập trung các công trình có chức năng thương mại - tài chính của thành phố, phát triển các chức năng kinh doanh, thương mại, khách sạn, du lịch và hành chính, toàn bộ nằm trong ranh giới quận 1 rộng 92,3 ha.

o    Phân khu 2 là tập trung các công trình có chức năng văn hóa - lịch sử, là trục trung tâm quanh trục đường Lê Duẩn, rộng 212,2 ha.

o    Phân khu 3 (khu bờ Tây sông Sài Gòn) là khu phát triển mới đa chức năng, trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận có diện tích gần 275 ha.

o    Phân khu 4 (khu thấp tầng) là khu dân cư hiện hữu, có nhiều công trình nhà biệt thự từ thời Pháp thuộc với chức năng khu dân cư, văn hóa, giáo dục và thương mại thấp tầng có diện tích 232 ha.

o    Phân khu 5 (lân cận lõi trung tâm), nằm kế cận phân khu 1 về phía Nam được phát triển với chức năng kinh doanh thương mại có diện tích 117,5 ha.

Khu vực bờ Tây sông Sài Gòn là phân khu rất quan trọng, trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận, sẽ được tận dụng ưu thế bờ sông để hình thành dải công viên văn hóa, giải trí và không gian công cộng dọc bờ sông. Ở đây sẽ tổ chức không gian, mảng xanh, đường đi bộ dọc bờ sông kết nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm, hình thành dải công viên và khu vực công cộng dọc bờ Tây sông Sài Gòn, tạo sức hút và điểm nhấn cho toàn Khu.

Khu vực dọc bờ Tây sông Sài Gòn sẽ cho phép phát triển nhà cao tầng bởi vì đây là khu vực nén, kết nối không gian với khu đô thị mới Thủ Thiêm.


Saigon Pearl là 1 phần cấu thành của Khu vực bờ Tây sông Sài Gòn, (cùng với các khu Tân Cảng, Nam Thị Nghè, Ba Son, Công viên Bạch Đằng, Cảng Sài Gòn), chắc chắn sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, mang lại cho Cư Dân ở đây không gian sống, tiện nghi phong phú, thuận lợi hơn rất nhiều.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TpHCM, Quy hoạch 1/2.000 đã được phê duyệt và sẽ có hiệu lực ngay. Trong Đồ án đã có phân kỳ thời gian thực hiện. Hạng mục nào ưu tiên sẽ được tập trung làm trước. Đối với các tuyến phố đi bộ sẽ có những Dự án riêng cho từng Khu vực, Đơn vị nghiên cứu sẽ có đề xuất về thời gian - tiến độ thực hiện.

   

N.K. tổng hợp.

>> http://saigonpearl.com.vn